Ma cũ bắt nạt ma mới phải “trị” như thế nào?

Tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới” là điều không tránh khỏi ở nơi công sở, gây nên cú sốc về tâm lý và trở thành “địa ngục” khi bạn đặt chân đến công ty. Để chấm dứt vấn đề này thì mọi người nên học những cách ứng phó thông minh trước khi vào làm.

Trong công việc, nếu bạn là người mới vào mà tỏ ra e dè, sợ sệt thì người khác nghĩ  là chúng ta không hòa đồng. Nếu bạn thân thiện quá mức thì người khác lại nghĩ là chúng ta giả tạo và đặc biệt nếu bạn kêu căng, chảnh chọe thì ngay lập tức sẽ hứng “gạch đá” bằng những chiêu trò nơi công sở. Vậy để tránh tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới” chúng ta nên làm thế nào?

Thực trạng ma cũ bắt nạt ma mới

Việc yêu ghét một ai đó luôn bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau, đặc biệt môi trường công sở lại là nơi thị phi và có khi bạn chẳng làm gì cũng bị ghét. Việc của bạn là phải đảm bảo tránh những điều sau:

Kiêu căng, chảnh chỏe: Đây là kiểu người không thể nào hòa nhập với môi trường làm việc chung. Bởi họ luôn xem bản thân mình là nhất, luôn thể hiện mình giỏi hoặc đẹp hơn những người xung quanh. Vì thế, những người này sẽ là kẻ thù số 1 với những người còn lại.

Rụt rè, nhút nhát: Bạn thử nghĩ xem trong lúc hội họp hoặc tổ chức các cuộc vui chơi mà sự rụt rè lãng tránh giao tiếp của bạn sẽ vô tình khiến chúng ta trở nên khó gần. Mà chẳng ai lại thích gần gũi với người không hòa đồng, dù không ghét cay ghét đắng nhưng mọi người cũng sẽ phớt lờ bạn.

Thích thể hiện: Nếu không muốn bản thân thành tâm điểm của sự công kích thì chúng ta không nên thể hiện quá mức về sự tài giỏi của bản thân, hoặc tỏ ra thân thiện quá mức mà quên đi sự khách sáo đúng mực, nói nhiều, lấn lướt những người bên cạnh, phô trương… Đây là những việc gây “trái tai gai mắt” và hiển nhiên việc “ma cũ bắt nạt ma mới” là chuyện bình thường.

Người mới nên làm gì?

Môi trường làm việc cũng giống như xã hội bên ngoài, luôn tồn tại những kiểu người khác nhau. Có khi là do bạn thể hiện không đúng cách bị họ ghét hoặc có khi là do chính bản thân họ có thói quen bới móc người khác. Dù là nguyên nhân nào chúng ta hãy làm những điều sau:

Tập trung vào công việc: Khi mới vào thường thì bạn được giao những việc lặt vặt hoặc bị dồn ép làm rất nhiều việc khiến chúng ta mệt mỏi. Nhưng hãy thật bình tĩnh và tập trung giải quyết hết công việc được giao tránh tạo cơ hội cho những người cũ lấy cớ để chỉ trích. Nếu vượt qua được chặng đường này và ngoảnh đầu nhìn lại thì mọi chuyện không quá phức tạp như bạn nghĩ.

Khiêm tốn và biết lắng nghe: Đây là hai đức tính rất dễ tạo thiện cảm với mọi người và tin chắc rằng những người cũ cũng chẳng có lý do nào để ghét bạn hoặc có thì vấn đề cũng thuộc về họ. Cho nên, bạn chẳng cần quan tâm mà hãy cứ tiếp tục công việc và học hỏi những thứ khác quan trọng hơn.

Tích cực tham gia các hoạt động: Hãy tích cực tham gia và nhiệt tình với các buổi tụ họp, vui chơi vì đây là không gian thích hợp để bạn tìm hiểu và hòa nhập với từng người. Chủ động bắt chuyện, hỏi thăm để đồng nghiệp biết rằng bạn cởi mở và cũng rất thân thiện.

Tuyệt chiêu để tránh bị chèn ép

Nhận định đối tượng: Bạn rất dễ cảm nhận thái độ của từng người đối với mình và với những người có khả năng cải thiện mối quan hệ thì hãy cố gắng để thay đổi cách nhìn của họ. Trái lại, với những người không thể hòa nhập thì hãy giảm sự tương tác, né tránh các vấn đề gây tranh cãi và hãy cư xử theo kiểu “nước sông không phạm nước giếng”.

Thể hiện quan điểm cá nhân: Ứng xử thông minh là tập hợp sự mềm mỏng và mức độ cứng rắn khi cần thiết. Hãy lên tiếng tranh luận để đóng góp ý kiến với mọi người nhưng không có nghĩa là bạn thể hiện thái quá mà chỉ nên thảo luận để đưa ra phương án tốt nhất. Nếu sếp và cả đồng nghiệp là những người có xu hướng bắt nạt thì bạn càng tránh né, e dè thì họ càng lấn lướt, do vậy chủ động đàm phán là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân.

Chẳng nơi nào mà lại làm việc dễ dàng và suôn sẻ, đôi khi là một chút khó khăn, thử thách khiến chúng ta trở thành nạn nhân của tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới”. Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu vận động cơ thể vì bạn còn phải gặp những áp lực về công việc còn lớn hơn. Nếu không cố gắng vượt qua thì chúng ta sẽ mãi sống trong nỗi sợ hãi của công việc vì những người không đâu.