Thất nghiệp là một sự việc đáng sợ diễn ra khá phổ biến hiện nay, bất chấp mọi đối tượng thậm chí có người đã hơn 30 tuổi mà vẫn thất nghiệp. Vậy nguyên nhân xuất phát từ đâu? Có phải chăng thị trường việc làm đã bão hòa hay do chính bạn?
Từ cái thời sinh viên ai cũng ấp ủ cho mình những ước mơ về một công việc ổn định. Tuy nhiên, con đường đi đến thành công luôn không hề dễ dàng như chúng ta vẫn tưởng. Để rồi sau đó gặp phải một chút gian truân mang tên “thất nghiệp” khiến không ít người rơi vào cảnh bế tắc, bi quan. Nhưng sự thật thất nghiệp có đáng sợ như bạn nghĩ? Và trong khoảng thời gian thất nghiệp phải làm sao để có động lực đi tiếp?
Lập kế hoạch cho các mục tiêu mới
Đầu tiên, hãy tìm hiểu nguyên nhân tại sao chúng ta thất nghiệp. Có phải là do bạn “chê” không làm hoặc do bạn không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Nếu xuất phát từ nguyên nhân này thì chúng ta hãy chấp nhận làm một công việc không lương hoặc lương thấp để đổi lấy kinh nghiệm và sau đó là tìm một việc khác ổn định hơn. Hoặc là phải chấp nhận thất nghiệp để nâng cao trình độ và các kỹ năng cần thiết đáp ứng được nhu cầu.
Và trong khoảng thời gian này bạn phải xem xét vấn đề tài chính liệu có đủ để trang trải cuộc sống. Nếu có thể hãy làm các công việc bán thời gian, freelance kiếm thêm thu nhập để tiếp tục duy trì cho các dự định tiếp theo. Nhờ đó mà chúng ta còn học hỏi được những kiến thức mới, các kỹ năng để bổ sung vào cv của mình.
Nếu bạn có những dự định cần thực hiện chẳng hạn như: kinh doanh, tìm hiểu về lĩnh vực nào đó… thì hãy làm ngay vì đây là thời điểm thích hợp có đủ thời gian thực hiện. Hãy trải nghiệm để biết bản thân có phù hợp với những công việc mới theo đuổi hay tiếp tục cho công cuộc tìm việc. Nhưng dù thế nào việc làm này cũng mang lại cho chúng ta những hiểu biết nhất định.
Tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng
Thiếu những kỹ năng cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp. Đặc biệt, là các bạn sinh viên mới ra trường phần lớn chúng ta chưa có chuyên môn sâu, thế nên các nhà tuyển dụng thường xem xét yếu tố kỹ năng. Trong đó, chú trọng đến thái độ ham học hỏi, cách ứng xử, tinh thần tích cực trong công việc và cao hơn nữa là các kỹ năng về giao tiếp ngoại ngữ và sử dụng vi tính…
Một nguyên nhân khác bắt nguồn từ yếu tố tâm lý sợ hãi với công việc, sự xung đột, va chạm với cấp trên và đồng nghiệp khiến bạn mệt mỏi và muốn từ bỏ. Lúc này hãy thật bình tĩnh và nhìn lại thì bạn sẽ thấy chẳng có việc gì mà không xảy ra vấn đề trừ khi là bạn không làm gì cả. Đây cũng là một lỗ hổng về việc thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, do vậy phải rèn luyện cho mình một tinh thần mạnh mẽ trước khi tìm công việc mới.
Vì thế, thất nghiệp phải làm sao? Câu trả lời thiết thực nhất là hãy tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng như: ngoại ngữ, các phần mềm ứng dụng, các hoạt động tình nguyện hoặc bất kỳ một hoạt động nào đó mà khiến bạn trở nên hoạt bát, năng động hơn. Khi tinh thần cởi mở và bận rộn một chút thì chúng ta chẳng có tâm trí đâu để suy nghĩ các vấn đề tiêu cực. Hơn thế nữa, những hoạt động này lại là ưu điểm tuyệt vời để bạn tạo ấn tượng trong cv của mình.
Duy trì lối sống lành mạnh
Hãy giữ cho mình một lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe, thoải mái về cơ thể dẫn đến đầu óc thư thái và suy nghĩ minh mẫn, thông suốt hơn. Vì chính những thay đổi trong suy nghĩ mới có thể khiến bạn sẵn sàng hành động theo một hướng khác.
Dành thời gian để đọc một quyển sách của các doanh nhân thành đạt để tạo động lực cho mình. Hoặc đi đến một nơi nào đó trải nghiệm, khám phá và hít thở không khí thoải mái sẽ giúp bạn có cách nhìn khác biệt về cuộc sống. Qua đó, chúng ta mới có thể sắp xếp lại mục tiêu của cuộc đời mình và lên kế hoạch thực hiện chúng.
Thất nghiệp phải làm sao? Đây là câu hỏi không có gì đáng sợ. Mà điều đáng sợ nhất chính là chúng ta không tìm ra mục tiêu của cuộc đời. Vậy nên, hãy tranh thủ khoảng thời gian này mà tìm kiếm con đường mình muốn đi nhất. Khi bạn phát hiện ra việc cần làm thì thời điểm nào cũng trở nên thích hợp và dù nhanh hay chậm miễn sao mọi người không bỏ cuộc giữa chừng.