Tại sao nhà tuyển dụng không hồi âm?

Nhận được phản hồi của nhà tuyển dụng là điều mà các ứng viên mong chờ nhất sau mỗi buổi phỏng vấn. Thực tế, không phải lúc nào bạn cũng nhận được những hồi âm sớm mà thay vào đó là phải chờ đợi khá lâu mà nhận được kết quả. Vậy trong những trường hợp này ứng viên cần làm gì? Tại sao nhà tuyển dụng lại không có bất kỳ những phản hồi nào sau buổi phỏng vấn?

Tại sao nhà tuyển dụng không hồi âm?

Bạn không phù hợp với công việc

Lý do đầu tiên mà bạn không nhận được phản hồi từ nhà tuyển dụng đó là bạn đã bị “đánh rớt” vì không phù hợp với vị trí công việc. Thông thường, vì mỗi đợt phỏng vấn thường có rất nhiều ứng viên, nên họ sẽ không có nhiều thời gian để trả lời kết quả cho mỗi người, thay vào đó người phỏng vấn chỉ hồi âm lại cho những bạn đã được chọn.

Họ cần cân nhắc kỹ lưỡng

Tại một số những công ty lớn, có môi trường làm việc tốt, họ chỉ tuyển một vị trí nhưng có đến hàng trăm hồ sơ nộp vào. Do đó, mỗi đợt phỏng vấn sẽ có rất nhiều ứng viên, nên việc cân nhắc để chọn ra những bạn có tố chất phù hợp với công việc đòi hỏi một khoảng thời gian khá lâu. Nhà tuyển dụng phải lựa chọn một cách kỹ lưỡng để tìm ra được một người phù hợp nhất, nếu rơi vào trường hợp này thì bạn phải kiên nhẫn chờ đợi.

Bên cạnh đó, trong quá trình phỏng vấn thì công ty cũng cần thời gian chuẩn bị hồ sơ nhận việc, phòng ban làm việc cho ứng viên hoặc cơ sở vật chất để giúp nhân viên mới có một môi trường làm việc tốt nhất.

Họ quá bận rộn

Bên cạnh tổ chức các buổi phỏng vấn và gửi kết quả cho ứng viên, nhà tuyển dụng còn đảm nhận rất nhiều công việc khác nhau liên quan đến nhân sự, vì thế họ thường rất bận rộn với lịch trình làm việc dày đặc. Do đó, rủi ro họ quên phản hồi lại cho những ứng viên sau buổi phỏng vấn là khá cao.

Ứng viên cần làm gì khi nhà tuyển dụng không hồi âm?

Liên hệ và hỏi về kết quả

Khi gặp phải trường hợp nhà tuyển dụng “bỏ quên” ứng viên, bạn có thể gửi cho họ một email lịch sự và chuyên nghiệp để hỏi về kết quả của mình. Một email hỏi thăm kết quả rõ ràng và trang trọng, giúp người phỏng vấn cảm thấy hài lòng và vui vẻ phản hồi lại email cho bạn.

Tiêu đề email nên lưu ý ghi đầy đủ thông tin: họ tên, ngày giờ phỏng vấn, vị trí phỏng vấn…giúp công ty nhớ và tìm lại hồ sơ của ứng viên một cách dễ dàng. Hơn thế nữa, trong bất kỳ trường hợp nào, bạn cũng nên thể hiện sự chuyên nghiệp và tôn trọng đối với nhà tuyển dụng.

Tìm hiểu lý do và khắc phục

Khi ứng viên bị loại đồng nghĩa với việc bạn đã có một buổi phỏng vấn không tốt hoặc trình độ và kỹ năng của bạn không đáp ứng được nhu cầu vị trí công việc. Cho dù, là vì lý do gì thì mỗi ứng viên cũng cần xem xét lại những nguyên nhân khiến bạn bị “trượt” phỏng vấn, chẳng hạn: do mình thiếu tự tin, CV chưa đủ thuyết phục hoặc thiếu các kỹ năng mềm… Qua đó, bạn cần có kế hoạch cải thiện và chuẩn bị tốt cho những cơ hội phỏng vấn tiếp theo.

Gửi một lá thư cảm ơn

Việc gửi một lá thư cảm ơn cũng là cách giúp nhà tuyển dụng không quên bạn sau khi phỏng vấn. Một lá thư cảm ơn với nội dung trang trọng và chuyên nghiệp, giúp bạn sẽ “ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng ngay lập tức. Ngoài việc, thể hiện được sự biết ơn, tôn trọng công ty, lá thư cảm ơn từ bạn sẽ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy hài lòng và sẽ không bao giờ quên phản hồi cho bạn khi có kết quả phỏng vấn. Bên cạnh đó, nếu bạn không phù hợp với vị trí công việc hiện tại thì nhà tuyển dụng có thể trao cơ hội làm việc cho bạn ở những lần sau.

Nếu chẳng may bạn không nhận được bất kỳ những phản hồi nào của nhà tuyển dụng thì bạn đừng quá lo lắng, hãy luôn giữ bình tĩnh và xem như đó là một cơ hội trải nghiệm giúp ứng viên có thêm những kinh nghiệm cho những lần phỏng vấn tiếp theo. Biết đâu được, bạn sẽ tìm được một công việc tốt hơn trong tương lai.